Tin tức

Điện lạnh vào mùa, hàng Việt lép vế

Đăng lúc: 04-05-2015 01:42:39 PM - Đã xem: 2005

     Khi tỷ phú người Thái Lan mua lại cổ phần của Nguyễn Kim, không ít người tiêu dùng Việt Nam bày tỏ lo ngại hàng Thái sẽ lấn át hàng Việt tại hệ thống siêu thị điện máy này.

Và thực tế đã chứng minh, không chỉ tại Nguyễn Kim, mà tại Pico, Mediamart, HC hay các cửa hàng kinh doanh điện máy nhỏ lẻ, hàng Việt cũng bị lép vế.

"Đỏ mắt" tìm hàng Việt

     Chỉ tính riêng ngành hàng điện máy - điện lạnh, vẫn những thương hiệu nổi tiếng như: Panasonic, Sharp, Samsung, Mitsubishi, Toshiba… nhưng sản phẩm mới được ra mắt mùa hè năm nay phần lớn được nhập khẩu. Tại siêu thị điện máy Mediamart, trong hàng loạt các dòng sản phẩm điều hòa "chào hè", điều hòa nhiệt độ của các hãng: Sharp, Daikin, Samsung và Mitsubishi đều được nhập khẩu từ Thái Lan. Hàng từ Malaysia có Panasonic. Một tên tuổi quen thuộc khác là Electrolux lại được sản xuất tại Trung Quốc. "Chìm nghỉm" trong hàng loạt thương hiệu lớn, hàng liên doanh chỉ nổi lên hai cái tên là Midea và Gree. Không chỉ lép vế so với hàng ngoại nhập về thương hiệu, hai hãng điều hòa liên doanh này còn thua cả về chủng loại máy và mẫu mã.

     Với nhóm mặt hàng tủ lạnh, hàng liên doanh có "tên tuổi", được nhiều người Việt Nam chọn dùng chỉ có Sanyo. Trong khi đó, hàng Thái Lan có cả: Samsung, Electrolux, Sharp, Toshiba… Tại hệ thống siêu thị Pico và HC, cơ cấu hàng hóa có xuất xứ ngành hàng điện máy- điện lạnh cũng tương tự.

     Ông Nguyễn Cảnh Ngọc - Phụ trách Kinh doanh của Công ty cổ phần Xây dựng và kỹ thuật lạnh Việt Nam (VinaCore Group) cho biết, riêng điều hòa của hai hãng Daikin và General, 100% nhập khẩu từ Thái Lan và Indonesia, không có hàng Việt Nam. Thị phần của hai hãng này tại Việt Nam khá lớn.

     Với nhóm sản phẩm quạt điện mùa nóng, hàng Việt Nam xuất hiện nhiều hơn, nổi bật là hàng của Điện cơ Thống nhất, Sunhouse, Daiichi. Tuy nhiên, kiểu dáng quạt Việt Nam vẫn "cổ điển", ít cải tiến. Sau khi được nhân viên bán hàng tại siêu thị điện máy Pico (Nguyễn Trãi, Thanh Xuân) tư vấn, anh Nguyễn Trọng Minh (nhà ở đường Trường Chinh, Thanh Xuân) đã chọn mua quạt lửng Mitsubishi với giá 1,39 triệu đồng. "Quạt có kiểu dáng đẹp, gọn, giá vừa túi tiền nên tôi thích. Nhà tôi đã có quạt đứng, quạt treo tường rồi nên muốn chọn mẫu mới"- anh Trọng Minh nói.

     Sở dĩ hàng Việt Nam thưa vắng trên thị trường điện lạnh - điện máy vì trong nước chưa có nhiều nhà máy sản xuất. Phần lớn hàng điện tử, điện máy, điện lạnh đều phải nhập khẩu.

Kỳ vọng sức mua tăng

     Đại diện hệ thống siêu thị dienmay.com cho biết: "Mùa hè năm nay, dự báo tăng trưởng của dòng hàng máy lạnh sẽ tốt, đạt từ 15-30%. Các nhà bán lẻ đã chuẩn bị lượng hàng dồi dào và đưa ra nhiều chương trình khuyến mãi hấp dẫn".

     Theo chủ một cửa hàng điện tử, điện máy trên phố Hai Bà Trưng (quận Hoàn Kiếm), một số hãng điều hòa như: Panasonic, LG… đều tăng thời gian bảo hành cho sản phẩm lên gấp đôi so với trước đây. "Đây là một trong những yếu tố khiến sức mua được dự báo tăng trưởng trong thời gian tới"- chủ cửa hàng này nói.

     Đáng chú ý, ở thời điểm hiện tại, giá bán các loại điều hòa tăng lên không nhiều so với cùng kỳ năm ngoái. Ông Nguyễn Cảnh Ngọc cho hay: "Một số hãng điều hòa tăng giá từ 1-3, các hãng khác thì thông báo tăng từ 1-4, nhưng nói chung mức tăng ít hơn năm ngoái. Tuy nhiên, đây chỉ là mức giá do nhà sản xuất đưa ra, còn vào dịp cao điểm, có thể giá điều hòa bị đẩy lên cao do nhu cầu tăng đột biến". Những năm trước, vào mùa hè, mặt hàng máy điều hòa thường tăng giá thêm từ 3-7% so với năm trước.

     Ghi nhận thị trường cho thấy, người tiêu dùng có xu hướng lựa chọn sản phẩm trong các siêu thị điện máy nhiều hơn thị trường tự do, bởi giá cả niêm yết công khai, chính sách bảo hành rõ ràng, phục vụ chuyên nghiệp hơn. Thêm vào đó, giá bán sản phẩm cùng loại cũng không chênh lệch quá lớn, trung bình từ 300.000 - 700.000 đồng/sản phẩm.

Theo An ninh Thủ đô

 

 

Hộ trợ trực tuyến
												Facebook 				Twitter